Xây dựng nhà ở giá rẻ: Cần hướng đến nhu cầu ở thực
Thời gian qua, nhiều dự án nhà giá rẻ khi xây xong lại rất ít người đăng ký mua mặc dù có giá khá mềm, thấp hơn nhiều so với một số dự án cùng loại trên thị trường. Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, một số dự án nhà ở giá rẻ tại khu vực huyện Quốc Oai, huyện Hoài Đức sau khi mở bán, số người đăng ký không nhiều, trong khi quy mô dự án lên tới trên dưới hàng trăm, hàng nghìn căn hộ với giá bán từ gần 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng/ m2…
Nguyên nhân các dự án này chịu cảnh “chợ chiều” như vậy là do dự án ở khá xa trung tâm thành phố, việc kết nối bằng phương tiện giao thông công cộng lại không thuận tiện nên khách hàng không mặn mà, trong khi nhu cầu tại khu vực không nhiều. Chưa kể, giá bán lại cao hơn so với giá đất tại khu vực; chưa có gói vay hỗ trợ lãi suất tương tự gói 30 nghìn tỷ đồng nên cũng khiến lượng người mua hạn chế. Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh xếp hàng nộp hồ sơ, bốc thăm suất mua nhà ở xã hội tại các dự án có vị trí trong nội thành…
Một số chuyên gia quy hoạch cho rằng, nhà giá rẻ hiện nay thường hạn chế ở vị trí xa trung tâm, chất lượng hạ tầng như trường học, bệnh viện, cấp - thoát nước… chỉ ở mức tương đối nên khó hấp dẫn người mua. Vì vậy, các dự án nhà ở giá rẻ được xây dựng cần hướng đến các khu vực có nhu cầu ở thực, đặt ở vị trí có hạ tầng giao thông thích hợp, phù hợp với cuộc sống của người dân. Nếu điều kiện này không được đảm bảo thì dù giá nhà có rẻ mấy cũng không thể thu hút khách hàng. Có thể lấy tổ hợp nhà chung cư giá rẻ HH Linh Đàm làm ví dụ. Mặc dù mật độ xây dựng cao, thiếu không gian cây xanh, vui chơi nhưng vẫn được nhiều gia đình chọn mua bởi nó lại nằm gần trung tâm, trong một tổng thể KĐT Linh Đàm, có đầy đủ hạ tầng giao thông, trường học, chợ…, rất tiện cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng không thể phủ nhận được KĐT Linh Đàm đang quá tải…
Một trường hợp cá biệt khác tuy ở xa trung tâm nhưng lại được người dân chào đón nhiệt tình đó chính là khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Nằm trong một tổng thể khu đô thị Đặng Xá với hạ tầng hiện đại, tiện ích đầy đủ, quy hoạch không gian bài bản, đặc biệt đáp ứng mọi nhu cầu sống và làm việc của người dân khu vực huyện Gia Lâm và lân cận, lý giải vì sao dự án này lại thu hút một lượng lớn người dân, hộ gia đình tìm mua và định cư tại đây.
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến nay tồn kho BĐS đã giảm, sản phẩm tồn chủ yếu là đất nền tại dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa hoàn thiện. Tính đến ngày 20/2, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó tại Hà Nội, giá trị tồn kho BĐS là 5.500 tỷ đồng, giảm 52 tỷ đồng so với tháng 12/2016.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, không cho phép chuyển đổi bằng việc nộp tiền, để có được những khu nhà ở xã hội có vị trí gần trung tâm hơn…
Có thể thấy, do nhu cầu thị trường lớn nên nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng tập trung phát triển nhà ở giá rẻ. Bên cạnh những ưu đãi về đất đai và thuế cho các doanh nghiệp nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội nên tập trung vào đối tượng người mua và cần sớm có những gói tín dụng lớn như gói 30.000 tỷ đồng thời gian qua…
Ngoài ra, để không xảy ra tình trạng xây nhiều nhưng không bán được hoặc ít người mua như thời gian vừa qua, thì các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng nhu cầu ở tại khu vực dự định thực hiện dự án, sự phát triển của hạ tầng, tiện ích công cộng có đủ bảo đảm nhu cầu của cộng đồng dân cư sau khi hình thành hay không. Có như vậy, các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới thực hiện được sứ mệnh đúng nghĩa của mình, đó là phục vụ nhu cầu ở thực của người dân…
Linh Anh